10/06
2022

TALKSHOW:  “XÂY DỰNG VĂN HÓA QUẢN TRỊ ĐÚNG, TỰ TIN ĐỂ PHÁT TRIỂN”

Chương trình nằm trong dự án Đồng Hành cùng 500,000 doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả do TW Hội LHTN Việt Nam, Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, Hội Doanh Nhân Trẻ Tp HCM và BIT Group phối hợp thực hiện, chương trình dành cho các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh giai đoạn bình thường mới. 

Văn hóa doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng của doanh nghiệp. Nhân tố này giúp tăng sự gắn bó giữa các nhân viên trong công việc, nâng cao hiệu suất làm việc, tạo dựng bản sắc riêng cho từng doanh nghiệp của chúng ta. Cũng là thành phần quan trọng trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển, hướng đi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên việc quản trị doanh nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với các nhà lãnh đạo, đặc biệt là trong môi trường chuyển đổi số hiện nay. Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có sự hiểu biết sâu rộng mọi vấn đề của doanh nghiệp, nhân viên và môi trường kinh doanh. 

Bên cạnh đó nhà lãnh đạo tài ba cần phải sở hữu khả năng thương thuyết các vấn đề bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Việc nắm giữ kỹ năng thuyết phục, tạo cảm hứng sẽ mang lại nhiều ưu thế cho những cuộc hợp tác. Nắm được thế chủ động trong các cuộc thương thuyết là bí quyết thành công trên thương trường hiện nay. 

Buổi talkshow với sự góp mặt của GS. Phan Văn Trường (Cố vấn chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, lãnh đạo cao cấp tập đoàn Alstom và Suez) và được điều phối của anh Lê Nguyễn Hồng Phương (Chủ tịch BIT GROUP). Buổi Talkshow đã thu hút hơn 430 khán giả đang là chủ các doanh nghiệp, người làm kinh doanh quan tâm tới việc “XÂY DỰNG VĂN HÓA QUẢN TRỊ ĐÚNG, TỰ TIN ĐỂ PHÁT TRIỂN”

Phan Văn Trường đã có những chia sẻ đầu tiên về việc quản lý và quản trị của một doanh nghiệp rằng: Thời kỳ hiện nay là thời kỳ đầu tư chứ không phải là thời kì dành cho việc tranh đấu và một chiến lược luôn có hai mặt, mặt quản lý và mặt quản trị. Quản lý là “làm tốt những việc mà người giao cho mình”, cũng vì vậy khi chúng ta muốn tăng doanh thu, doanh số của mình, muốn bán được nhiều sản phẩm hơn so với mức mà công ty giao. Chiến lược đi đôi với truyền thông, thuyết phục khách hàng, thương thuyết, quảng cáo,… và đó là chiến lược quản lý. Chiến lược quản trị là chúng ta chọn đúng việc, đúng người, đúng thời điểm. Qua đó chúng ta thấy được là người lãnh đạo cấp cao rất khó khăn xác định được sau mùa covid này thì đâu sẽ là khuynh hướng phát triển nhiều và đâu sẽ là khuynh hướng phát triển ít. Nếu các nhà lãnh đạo rơi vào khuynh hướng không phát triển nhiều thì sẽ gây trở ngại rất lớn cho cấp quản lý. Vậy chúng ta thấy được rằng khâu quản trị định hướng cho hoạt động quản lý. 

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương – đặt câu hỏi: Vai trò lãnh đạo thì thiên về quản trị nhiều hơn, còn vai trò quản lý thì nằm ở cấp trung nhiều hơn, có phải ý thầy như thế ?

Phan Văn Trường: Đây là quan điểm phù hợp. Tuy nhiên, bộ phận quản lý dù nằm ở cấp trung nhưng vẫn phải có bổn phận tiếp cận những vấn đề liên quan đến quản trị, hiểu được lệnh từ cấp trên, hiểu được hướng đi và tạo ra môi trường làm việc tốt cho đội của mình. Những yếu tố vừa rồi rất quan trọng nhưng quan trọng hơn hết vẫn nằm ở vị trí của các lãnh đạo cấp cao/ ban điều hành/ hội đồng quản trị, các nhà lãnh đạo cần phải xác định đúng hướng. Tuy nhiên, thời kỳ này cũng rất là khó khăn trong việc chọn đúng hướng đi. Nếu cấp quản trị có chiến lược quản trị đúng đắn thì các cấp quản lý bên dưới sẽ làm việc dễ dàng hơn. Vậy thì điều gì làm cho lãnh đạo cấp cao có thể nhìn rõ được vấn đề? Ngày nay chúng ta có nhiều hiện tượng tạo nên môi trường rất khó hiểu, vì thế chúng ta rất cần những nhà lãnh đạo sáng suốt hơn nữa. Và những yếu tố tạo nên một nhà lãnh đạo giỏi gồm: văn hóa cao, chú ý đến sự diễn biến của công nghệ.

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương: Vai trò lãnh đạo rất quan trọng trong việc phân định giữa quản trị và quản lý, vậy ở vai trò lãnh đạo, khi nào nên chuyển đổi, khi nào nên đổi mới?

Phan Văn Trường chia sẻ: Về vấn đề này thì thầy không quá đặt nặng, thầy chỉ quan tâm về vấn đề luôn phải “đứng đầu thế giới”, và theo thầy thì đứng đầu thế giới không chỉ là doanh thu, lợi nhuận, mà còn là sáng tạo, giá trị cổ phiếu, mọi chỉ số vì chúng ta cần phải có đầy đủ tất cả. Chúng ta đang ở trong thị trường mà đòi hỏi rất  nhiều về người lãnh đạo và ở khâu quản trị, đây là vị trí không cần làm việc nhiều nhưng cần phải vô cùng sáng suốt. 

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương: Khi ứng dụng điều gì hay và mới từ doanh nghiệp phương Tây vào doanh nghiệp ở nước ta thì như thế nào, đặc biệt là trong môi trường công nghệ số, chuyển đổi số như hiện nay?

Phan Văn Trường chia sẻ: Chúng ta còn quá quen cách làm việc theo chiều dọc, không có sự linh hoạt, lãnh đạo lệnh như thế nào thì chỉ thực hiện đúng như vậy. Chúng ta đang đi vào thế giới mà tất cả chúng ta đều phải tiếp cận nhau, hướng dẫn nhau, là thầy trò của nhau, và chúng ta đều phải có mối quan hệ hàng ngang, toàn diện. Mỗi doanh nghiệp là một môi trường toàn diện, mọi người đều phải làm việc với nhau. Nói tóm lại là làm việc theo hệ sinh thái, chúng ta cần phải tạo giá trị cho nhau theo ma trận. 

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương đặt câu hỏi: Vậy theo kinh nghiệm của thầy thì lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi điều gì từ những doanh nghiệp trên thế giới mà vẫn phù hợp với văn hóa Việt Nam?

Phan Văn Trường chia sẻ: Hiện nay đã có khá đông các lãnh đạo đã mở tiềm thức của họ để tìm hiểu vì sao các doanh nghiệp phương Tây tiến bộ nhanh như vậy. Trước tiên, chúng ta nên cởi mở, biết giao việc, ủy quyền cho những bộ phận bên dưới, để họ làm chủ và quyết định phần việc của mình. Thầy đã nhận ra được một bài học rằng “người sếp” của tất cả mọi việc không phải là ông giám đốc mà “người sếp” thật sự ở đây là “lợi ích tối đa của công ty”, vì vậy mình có thể giao phó việc cho những người ở bộ phận bên dưới, chỉ cần họ hiểu thế nào là “lợi ích tối đa của công ty”, đó gọi là thái độ bình đẳng, nghĩa là mỗi người vẫn có một chức vị nhưng chúng ta không để chức vị đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc của công ty. Trong một doanh nghiệp, thái độ “hồn nhiên” góp phần rất lớn vào tốc độ thành công và phát triển của doanh nghiệp đó.  

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương: Môi trường kinh doanh ở các  nước kinh tế đang phát triển với trình độ nhân lực chưa đồng đều, niềm tin chưa cao, như vậy có quá rủi ro khi áp dụng những phương thức như vậy hay không, theo thầy thì chúng ta nên làm thế nào để đạt được giá trị cao nhất ạ?

Phan Văn Trường chia sẻ: Sau 20 năm theo dõi thầy đã rút ra được một điều như thế này, đó là mọi thứ đến từ giáo dục. Tất cả những bạn nào có tư duy hệ thống, lý luận hệ thống mới làm việc được theo chiều của thầy, là cách làm việc linh hoạt, chủ động và tự chủ, nhận biết được những yếu tố cần được liên kết và những yếu tố có tính liên đới với nhau. Đứng trước mỗi vấn đề, chúng ta cần phải học cách tự hỏi tại sao, tại sao chúng ta làm như vậy, quyết định như vậy,… và chúng ta bắt buộc mình phải có câu trả lời rõ ràng, chi tiết để giải thích cho vấn đề đó, quyết định đó. Đó cũng là lý do vì sao thị trường Việt Nam chúng ta hiện nay cần rất nhiều hệ sinh thái, và hệ sinh thái này sẽ cho chúng ta những câu trả lời cho câu hỏi vì sao của các vấn đề.

Bên cạnh đó vẫn còn một số câu hỏi từ quý vị khán giả chi tiết theo dõi trên livestream tại fanpage Vietnam2030.vn:  

Một vị khán giả tên Bùi Quý Tuấn đã đặt câu hỏi rằng: Trong bối cảnh công nghệ hiện nay đặc biệt trong thời gian covid vừa qua khi mà doanh nghiệp, nhân viên thay đổi phương thức làm việc, phương thức giao tiếp, thầy gợi ý một số phong cách lãnh đạo/ quản trị trong tương lai như thế nào?

Phan Văn Trường chia sẻ: Ví dụ như Mỹ, họ làm việc và theo đuổi “đô la”, đó là driver của họ, vậy thì chúng ta cũng cần phải tạo ra một giá trị, một mục tiêu hoạt động cơ khiến chúng ta phải “chạy” để theo đuổi, để phấn đấu. Và “driver” là thứ tác động mạnh mẽ đến chúng ta, dù là về tinh thần hoặc vật chất, để kích thích chúng ta vận động mạnh mẽ.

Anh Trí Trần (Công ty Bao Bì Giấy eBOX) có câu hỏi dành cho chương trình: “Mỗi chủ doanh nghiệp cần nâng cao khả năng tự học, khả năng quản lý, lãnh đạo của mình, như vậy làm thế nào để xây dựng được văn hóa tự học trong doanh nghiệp xuống từng nhân viên và bộ phận, phòng ban ạ?” 

Phan Văn Trường (Cố vấn chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, lãnh đạo cao cấp tập đoàn Alstom và Suez) chia sẻ: “Nếu có một lĩnh vực mà không có người nào cần ý kiến của người khác cả, đó chính là lĩnh vực tự học. Có rất nhiều doanh nghiệp từng trả rất nhiều tiền cho nhân viên tự học nhưng đều thất bại. Việc tự học là việc bắt buộc bản thân phải tự trả lời được câu hỏi tại sao, nghĩa là chúng ta phải tự tìm hiểu về những điều mà mình không hiểu biết. Văn hóa tự học phải ở ngay trong chính bản thân mình, khi gặp vấn đề mà bản thân không hiểu biết, chúng ta phải tự tìm hiểu về nó, bất kể là dùng phương thức nào. Những người đạt được nhiều thành công và tiến rất xa trong cuộc sống của họ là những người luôn tự học, luôn đặt câu hỏi tại sao. Tự học chính là tự giải thích cho mình lý do tại sao lại như vậy”

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương (Chủ tịch BIT GROUP) cũng chia sẻ thêm rằng việc đặt câu hỏi tại sao sẽ giúp chúng ta tìm ra được mục tiêu, mỗi nhân viên có mục tiêu khác nhau thì họ sẽ có động lực và động cơ khác nhau. Đa số các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đầu tư vào các nhân viên có năng lực cao, mà những nhân viên như vậy chắc chắn phải có năng lực và tinh thần tự học cao. Điều này sẽ tạo động lực cho rất nhiều hoạt động khác của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều câu hỏi đến từ những vị khán giả khác, để xem thêm nhiều hơn, chúng tôi xin mời quý anh/chị truy cập và đường link dưới đây: https://www.facebook.com/vietnam2030.vn/videos/351964273410563

Để kết thúc buổi talkshow  “XÂY DỰNG VĂN HÓA QUẢN TRỊ ĐÚNG, TỰ TIN ĐỂ PHÁT TRIỂN” Anh Lê Nguyễn Hồng Phương – đặt câu hỏi: Với trải nghiệm của thầy thì thầy có thể nhìn ra đâu là “hình, “tướng”, “gốc rễ” hay là “ngọn”, vậy thì có giải pháp nào để những người trẻ như chúng em cũng có được cái nhìn thấu đáo vấn đề như thầy không ạ?

Phan Văn Trường chia sẻ: Chúng ta có chung một khuyết điểm đó là chúng ta lý luận đầu vào và không lý luận đầu ra, 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta không biết nhu cầu của khách hàng là gì. Và chúng ta đang lý luận với “đầu óc vuông”, theo thầy thì không có thứ gì mà không bán được, chỉ là chúng ta không phân loại sản phẩm, không chịu đi tìm ra thị trường của nó mà thôi.

Cuối chương trình là thông điệp của thầy GS. Phan Văn Trường là chúng ta hãy tự tin, rèn luyện cách lý luận có hệ thống. Chúng ta đang được sống trong một hành tinh nhận được nhiều “ân huệ” đến từ thiên nhiên, đặc biệt là Việt Nam chúng ta cũng được tạo hóa ban cho rất nhiều “ưu đãi”, nhưng chúng ta vẫn không tự tin thì đó là điều rất đáng tiếc. 

Đến buổi tọa đàm trực tiếp, doanh nghiệp đã được lắng nghe những chia sẻ, những kiến thức vô cùng thú vị và bổ ích đến từ các khách mời cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề:  

  • Thực trạng văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào. 
  • Những vấn đề nào khiến cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể cải thiện hoạt động kinh doanh tốt hơn. 
  • Làm thế nào để thúc đẩy văn hoá chuyển đổi số cho toàn thể nhân sự trong doanh nghiệp. 
  • Quản trị hay quản lý nhân sự trong thời đại số hóa hiện nay như thế nào. 
  • Làm thế nào để lựa chọn một doanh nghiệp chuyển đổi số đi kèm với doanh nghiệp SME lâu dài. 
  • Những sai lầm hay mắc phải trong 1 cuộc thương thuyết trong kinh doanh. 
  • Làm sao nắm thể chủ động trong 1 cuộc thương thuyết.  

Buổi Talkshow online “XÂY DỰNG VĂN HÓA QUẢN TRỊ ĐÚNG, TỰ TIN ĐỂ PHÁT TRIỂN” đã mang đến những kiến thức cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp SMEs vươn tầm phát triển

 

Quý khán thính giả có thể xem lại nội dung buổi livestream ở đây: https://www.facebook.com/vietnam2030.vn/videos/351964273410563 

Translate »