“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.” và “Đi, để biết Việt Nam đẹp đến nhường nào!”. Có lẽ, đây là 2 câu nói bất hủ của người Việt chúng ta. Và khi kết hợp 2 câu này lại thì mới thấy chữ nghĩa Việt đẹp biết bao nhiêu.
Nhờ như vậy, kho tàng văn học của Việt Nam chúng ta luôn được cả thế giới công nhận. Những tuyệt tác từ những bậc thánh nhân đã tạo nên một kho tàng đồ sộ. Và để làm nên những tuyệt tác “ngàn năm” ấy, họ đã thổi vào trong tác phẩm của mình cái hồn, cái chất và cái nghĩa. Đúng hơn hết là nhờ kỹ năng viết của họ!
Nội dung chính
Làm sao để có thể trau dồi kỹ năng viết?
Câu hỏi này giống như câu hỏi “Làm sao để thuyết trình trước đám đông vậy?”. Những câu trả lời như “tự tin lên, đừng run nữa, đừng sợ nữa,…”. Nó vô vị và trả có tí giá trị nào cho bạn. Những ai khuyên bạn như vậy, tin tôi đi. Họ chả biết gì về bạn đâu. Nhưng tôi thì có đấy! Và tôi xin phép được lấy câu hỏi dạng “thuyết trình” để trả lời câu hỏi của tiêu đề này.
Hãy để người lạ này chỉ bạn 1 mánh để bạn có thể tốt hơn khi thuyết trình. Rất đơn giản thôi, bạn hãy cứ SỢ đi. Bạn phải đứng ở trên bục, nơi mà bạn không phải vỗ tay cho người khác nữa. Mà là nơi người khác sẽ vỗ tay cho bạn. Bạn phải nhìn xuống đám đông, xem cách họ nhìn bạn. Xem cách của họ ngáp khi bạn nói, cách họ bấm điện thoại và bỏ ngoài tai lời nói của bạn. Xem hết những hành động đó đi, bởi vì lời nói của bạn không hề đem lại giá trị gì cho họ. Khi bạn thấy điều đó, bạn sẽ sợ và bạn sẽ quen với nỗi sợ.
Bạn phải sợ cho đến khi nào bạn quen với chính nỗi sợ này. Bạn sẽ phải đứng trên bục hàng chục, hàng trăm lần để đánh tan nỗi sợ này đi. Và khi bạn không sợ nữa, bạn đã có sự tự tin hơn. Thì lúc này, bạn đã có được cái “nền” để thổi hồn vào từng lời nói và mới mang giá trị lại cho người nghe được. Kỹ năng viết cũng vậy!
Ơ! Tôi vẫn chưa biết và chưa hiểu cách cải thiện kỹ năng viết
Nếu như bạn dừng lại và đã hiểu hàm ý tôi nói. Bạn có thể dừng lại từ mục này và bạn rất tài giỏi. Nhưng nếu bạn chưa thực sự hiểu về câu trả lời trên. An tâm đi bạn của tôi, vì tôi trước đây cũng như bạn và bạn không một mình. Chỉ là chúng ta cần thời gian hơn và nỗ lực hơn người thường thôi. Dưới đây chính là những cách giúp bạn có thể cải thiện được kỹ năng viết của mình.
Xem thêm: Nghệ thuật kinh doanh của những nhà “nghệ sĩ”
Bạn phải thực sự “viết”!
Nếu bạn muốn viết, thì bạn phải thực sự “viết” chứ không phải “gõ” bàn phím. Bạn phải ngồi xuống, lấy ra một quyển tập, một quyển nhật ký và viết đi. Khi viết, bạn sẽ có thời gian mà suy ngẫm, trầm tư về cách bạn viết. Cách mà bạn dùng từng câu từng chữ và phong cách của bạn. Còn khi gõ bàn phím, bạn sẽ gõ liên tục. Không có thời gian để nghĩ đến câu sau sẽ như thế nào. Nó vô hình trung làm cho não bộ của bạn lười hơn. Tôi khi đang gõ ra bài này, tôi đã viết xuống 5 trang giấy chỉ để tóm gọn lại một bài viết cho bạn. Chính vì vậy, kỹ năng viết đầu tiên chính là bạn phải thực sự “viết”.
Hãy viết về một bộ phim, so sánh 2 loại đồ vật khác nhau, viết về một điều làm bạn thích thú,… Trong trường hợp bạn không biết nên viết gì. Hãy cứ đặt bút xuống, viết ra chính cái suy nghĩ “trống rỗng” của bạn. Miêu tả nó, làm cho nó “sống dậy” và biến hóa nó theo phong cách của bạn. Bất cứ ai, trong chúng ta đều có một trải nghiệm riêng. Từ đó, nó định nghĩa lên con người của chúng ta. Và chính nhờ những trải nghiệm đó, chúng ta sẽ có nhiều góc nhìn hơn để dùng chữ.
“Đừng sợ người khác đọc chữ của bạn” hay tôi nên nói “Hãy sợ đi!” với bạn nhỉ? Kỹ năng viết này chính là một trong những kỹ năng viết được nhiều bậc thầy tin dùng nhất từ khi bắt đầu đến khi chia tay câu chữ.
Đi “tắm”!
Kỹ năng viết thứ hai chính là “tắm”. Khi bạn đã viết ra được rồi, mệt rồi thì hãy đi tắm đi nào. Bạn phải “đắm” mình vào trong câu chữ, vào trong lời văn của người khác. Chúng ta là những người viết chữ, nên vì thế chúng ta cần sự sáng tạo ở trong đó. MUỐN GIỎI ĐIỀU GÌ THÌ PHẢI TẮM MÌNH TRONG ĐÓ. Bạn thích viết thì bạn phải để nó xuất hiện trong đời sống của bạn càng nhiều càng tốt. Phải nói là để nó “đập” vào mặt của bạn, đó sẽ là điểm bắt đầu của bạn.
Hãy chọn cho mình những người thầy về ngành viết. Hãy săn lùng họ, săn từng câu từng chữ của họ. Liên tục cập nhật những bài viết của họ. Để từ đó, gom góp lại cho mình những cách viết của người đó. Rồi sau đó viết xuống giấy, vừa viết vừa suy nghĩ “tại sao lại dùng dấu ở đây? Tại sao chữ này viết trước chữ kia?”. Từ đó, bạn sẽ trau dồi cho mình kỹ năng viết nhiều hơn bao giờ hết.
Đọc sách, đọc sách và đọc sách
Khi đọc sách, việc bạn làm không chỉ đơn thuần là đọc sách. Mà còn là trò chuyện với chính tác giả của bộ sách đó. Nơi mà tác giả đã phải trải qua rất nhiều thứ để đúc kết lại trong một quyển sách. Đó chính là tâm tư, phong cách và “lửa” của tác giả. Người mà bạn mong muốn cả đời để gặp họ cũng sẽ không bao giờ gặp được. Khi bạn đọc sách, bạn sẽ “vỡ òa” với những góc nhìn và cảm xúc của tác giả mang lại. Nói đúng hơn, tác giả đã phải “mượn” chữ để miêu tả nó cho bạn. Bạn sẽ hiểu rõ phong cách viết của tác giả và học được kỹ năng viết của họ thông qua chính “đứa con” của họ. Dưới đây là những quyển sách mà tôi khuyên bạn nên đọc.
Xem thêm: 4 quyển sách kinh doanh nên đọc trong năm 2022
“Xào câu nấu chữ” thôi nào!
Khi bạn đã hiểu cách dùng chữ, dùng dấu và phong cách của người khác. Khi bạn đã đắm mình vào trong chữ nghĩa và đọc những quyển sách của những bậc thầy. Thì đã đến lúc, bạn nên tự tạo ra cho mình một “đứa con” riêng. Hãy bắt tay vào và sắp xếp lại và điều khiển từng câu từng chữ trong đầu bạn thành một bài hoàn chỉnh. Bạn sẽ thật sự rất kinh ngạc về kỹ năng viết trước và sau khi áp dụng cách của tôi đấy.
Hãy xem chữ là một người bạn đồng hành của bạn. Hãy xem nó như là một người đang lắng nghe lời tâm sự của bạn. Chỉ có mỗi hai người biết, thoải mái bộc lộ nên phong cách và sự sáng tạo của mình. Nơi đâu có bạn, nơi đó sẽ có chữ và ngược lại. Nếu bạn vẫn còn đang đọc từng câu từng chữ của bài viết này. Thì có lẽ, thế giới vừa tìm ra thêm một người yêu chữ nghĩa nữa.
Trên chính là những kỹ năng viết cần được mài dũa mỗi ngày nếu bạn muốn trở nên cải thiện hơn. Hãy đặt bút xuống và viết, bạn sẽ cảm thấy mình tuyệt vời như thế nào. Tôi chúc bạn thành công và thuận lợi với những câu từ của bạn.