17/06
2022

[Vietnam2030 online số 28] Tại sao nên chuyển đổi số? – “Nếu không hư thì đừng sửa”

Đường đua chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn chạy nước rút, các doanh nghiệp thi nhau thực hiện các bước chuyển mình, tiến hành áp dụng chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống vận hành. Mặt khác, cũng có nhiều doanh nghiệp quyết định đứng ngoài cuộc và một mực giữ vững tư duy: Không cần thay đổi hay chuyển đổi khi doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, không cần “sửa” khi hệ thống vẫn “chưa hư”! Đây được xem là một lối tư duy lỗi thời, khiến doanh nghiệp giậm chân tại chỗ, không thể tiến xa trên đường đua cạnh tranh khốc liệt. Bởi lẽ, để thành công, doanh nghiệp không đơn thuần duy trì tốc độ mà còn phải tăng tốc, tạo được sự bứt phát trên thương trường. Các điểm mù trong tư duy và sự bó mình trong văn hóa khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nhìn nhận đúng đắn về chuyển đổi số, cũng như những lợi ích mà số hóa mang lại. Chuyển đổi số được ví như một cây búa và hệ thống vận hành của doanh nghiệp là tập hợp những cây đinh. Nhưng liệu có phải doanh nghiệp chỉ cần dùng búa để đóng tất cả các cây đinh là thành công?

Nằm trong dự án Vietnam2030.vn với chuỗi chương trình đồng hành cùng 500.000 Doanh nghiệp chuyển đổi số và kinh doanh số hiệu quả, vào cuối tuần qua, thứ 4 ngày 15 tháng 6 năm 2022, TW Hội LHTN Việt Nam, Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, Hội Doanh Nhân Trẻ Tp HCM và BIT Group phối hợp tổ chức buổi talkshow online với sự góp mặt của GS.TS Trương Nguyện Thành (Giảng viên tại Đại học Utah – Hoa Kỳ) và được dẫn dắt dưới sự điều phối của anh Lê Nguyễn Hồng Phương (Chủ tịch BIT GROUP) đã thu hút hơn 1.200 lượt xem trên các kênh và 100 người tham gia trực tuyến trên zoom cùng các phản hồi, trao đổi, hỏi đáp, chia sẻ của GS.TS Trương Nguyện Thành đã tạo cho khán giả tham gia chương trình những giá trị thiết thực.

Đa phần các doanh nghiệp khi bắt đầu chuyển đổi số cũng hướng đến mục tiêu tăng doanh thu. Chuyển đổi số tất nhiên là việc nên làm nhưng doanh nghiệp không nên chuyển đổi chỉ vì muốn chạy theo xu hướng của thời đại. Theo đó, chuyển đổi số phải đi liền với sự đánh giá lại quy trình, hệ thống vận hành và hiện trạng của doanh nghiệp. Trước khi tiến hành chuyển đổi, chủ doanh nghiệp phải trả lời được các câu hỏi: Mục đích của chuyển đổi số là gì? Nếu chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có những lợi ích gì, đồng thời phải đối mặt với các rủi ro gì?

Chuyển đổi số nếu không được áp dụng phù hợp sẽ đơn thuần là một cuộc đầu tư hạ tầng vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, vừa thêm việc. Do đó, chuyển đổi số phải có mục tiêu, nguồn lực, ngân sách rõ ràng, phải xác định được mảng nào chuyển đổi trước, mảng nào chuyển đổi sau và mảng nào không nên chuyển đổi.
Chuyển đổi số là một cây búa nhưng không phải cứ dùng búa đóng tất cả cây đinh cùng một lúc là thành công. Doanh nghiệp bắt buộc phải có kế hoạch và chiến lược rõ ràng. Một mặt để áp dụng chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả, mặt khác để thực hiện chuyển đổi song song với quá trình vận hành và phát triển của doanh nghiệp, để chỉnh sửa ngay trong quá trình “xe đang chạy”.

Nội dung chính

Tại buổi talkshow, GS.TS Trương Nguyện Thành đã giải đáp cho thính giả nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tư duy và văn hóa của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số:

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương đặt câu hỏi: “Làm sao để thắng được lực cản trong chuyển đổi số? Những đặc điểm văn hóa nào của doanh nghiệp cần phải xử lý khi chuyển đổi số?”

GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ: Chuyển đổi số cần có sự đồng bộ, phải mang lại sự đồng thuận về tương lai cho tất cả nhân viên của công ty và các bên liên quan, đặc biệt là củng cố vị trí và cơ hội tương lai của nhân sự.

Mỗi tổ chức đều có một tư duy, cũng có thể hiểu tư duy ở đây là văn hóa, những nguyên tắc bất thành văn của tổ chức. Người lãnh đạo là người hình thành văn hóa và tư duy của tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp không phải là những quy định viết trên giấy mà là những gì người lãnh đạo làm, bao gồm cả nhân cách và cách tương tác, hành xử của họ. Nếu muốn thay đổi công ty hay muốn thắng được lực cản trong chuyển đổi số thì phải thay đổi tư duy lãnh đạo trước.

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương đặt câu hỏi: “Tư duy của chủ doanh nghiệp Việt Nam khác biệt như thế nào so với tư duy của chủ doanh nghiệp nước ngoài? Đâu là điểm mà chủ doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện?”

GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ: Chủ doanh nghiệp Việt Nam xem vị trí lãnh đạo là vị trí độc tôn, nếu không có người lãnh đạo, tổ chức sẽ không thể tồn tại. Nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam vận hành theo kiểu tập trung quyền lực, tất cả mọi quyết định lớn nhỏ đều quy về người đứng đầu.

Trong khi đó, ở một số tổ chức nước ngoài, họ luôn quan niệm rằng không có vị trí nào là không thể thay thế, bao gồm cả vị trí lãnh đạo. Thậm chí người lãnh đạo có thể được thay thế bất cứ lúc nào. Lúc này, người chủ doanh nghiệp sẽ không còn bận tâm về vị trí của mình mà tập trung vào việc hoàn thành trách nhiệm, đảm bảo tổ chức vẫn vận hành tốt khi không có họ.

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương đặt câu hỏi: “Đâu là điểm mù tư duy của nhà lãnh đạo?”

GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ: Điểm mù tư duy của chủ doanh nghiệp đa phần xuất phát từ những điều mà họ làm thành công trong quá khứ. Bởi lẽ, những điều giúp bạn thành công hôm nay chưa chắc đã giúp bạn thành công trong ngày mai, thậm chí những điều đó có thể biến thành con dao, chĩa mũi về phía bạn.

Môi trường kinh doanh thay đổi, công nghệ thay đổi, nhân sự thế hệ trẻ cũng có nhiều thay đổi. Những quyết định cũ, quy trình làm việc cũ hay công thức thành công cũ mà các chủ doanh nghiệp đưa ra trước đây ít nhiều đã không còn phù hợp. Do đó, chủ doanh nghiệp cần có sự cân nhắc, linh hoạt khi vận hành doanh nghiệp.

Anh Lê Nguyễn Hồng Phương đặt câu hỏi: “Học trọn đời – lifelong learning đang thay đổi tương lai như thế nào? Làm thế nào để tạo ảnh hưởng đến toàn bộ văn hoá này của tổ chức?”

GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nghĩa là chủ doanh nghiệp phải không ngừng học hỏi để phát triển bản thân. Theo đó, học suốt đời là một xu hướng thời thượng. Đối với người làm chủ, học tập suốt đời không đơn thuần là liên tục đăng ký các lớp học đại trà, học rồi lấy tín chỉ. Học tập suốt đời phải xuất phát từ nhu cầu của bản thân và nhu cầu của chính doanh nghiệp.

Từ nhu cầu đi đến sự tò mò và cuối cùng là tìm kiếm nguồn tham khảo, nguồn để tự học. Các nguồn ngày có thể là nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook,… hay chỉ đơn giản là học hỏi từ người khác, từ những người đi trước có kinh nghiệm.

Bản thân GS.TS Trương Nguyện Thành cũng từng có nhiều tò mò về thần kinh học, tâm lý học. Sự tò mò thúc đẩy tinh thần tự học của thầy, giúp thầy duy trì khả năng học hỏi cho đến ngày nay. Thậm chí là 20-30 năm sau, thầy vẫn muốn được học hỏi thêm những điều mới. Theo thầy Thành, để có thể học suốt đời, bạn nên trở về làm đứa trẻ 5 tuổi và bắt đầu với những câu hỏi “Tại sao?”.

Trong nội dung thảo luận trực tiếp với diễn giả, câu hỏi từ khán giả Kim Lê – Công ty ASC Corp đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía các khán giả xem livestream cũng như hai vị chuyên gia với nội dung: “Kính gửi thầy Thành, thầy có nhắc về tư vấn độc lập thì những tiêu chí nào để lựa chọn một đơn vị như vậy? Tư vấn xong thì phải đến bước chọn nhà cung cấp và triển khai, lúc đó doanh nghiệp có phải phụ thuộc vào đơn vị tư vấn không?”

GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ: Các đơn vị tư vấn phát triển kinh doanh bắt buộc phải có kinh nghiệm về ứng dụng hạ tầng số trong quản trị doanh nghiệp. Đây có thể là đơn vị trong hay ngoài nước, nhưng điều quan trọng là phải hiểu được văn hóa kinh doanh của Việt Nam. Chuyển đổi số và thay đổi quy trình vận hành có thể ảnh hưởng đến quyền lợi đến một số bộ phận.

Các đơn vị tư vấn là đơn vị đưa ra những đánh giá về hiện trạng của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp mới là người đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên những lời đánh giá đó.

Một câu hỏi khác từ khán giả Châu Nguyễn: “Nếu lãnh đạo theo phong cách lãnh đạo độc quyền thì có thể làm gì để truyền đạt được văn hóa doanh nghiệp một cách tốt nhất?”

GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ: Không có phong cách lãnh đạo nào tuyệt đối xấu hay tuyệt đối tốt. Người lãnh đạo, một khi đã xác định đi theo phong cách lãnh đạo độc quyền, phải thuyết phục được nhân sự của mình rằng anh/chị hoàn toàn đủ năng lực, đủ bản lĩnh để lái con thuyền này đi đúng hướng. Đồng thời, người lãnh đạo phải biết cách quan sát, tiếp nhận thông tin từ bên dưới để kiểm soát hệ thống vận hành của doanh nghiệp, hạn chế các rủi ro hoặc các vấn đề phát sinh nội bộ. Các phong cách lãnh đạo đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Người lãnh đạo phải biết tận dụng lợi thế để phát triển.

Sau khi nhận được giải đáp thắc mắc từ hai chuyên gia, khán giả cũng đã để lại bình luận: “Nội dung Thầy và Anh Phương chia sẻ thật sự rất ý nghĩa và bổ ích, thiết thực cho doanh nghiệp trong thời đại ngày nay.”. Còn rất nhiều chia sẻ, cảm xúc khác đến từ nhiều khán giả xem talkshow. “TẠI SAO NÊN CHUYỂN ĐỔI SỐ? – NẾU KHÔNG HƯ THÌ ĐỪNG SỬA” đã mang đến những kiến thức cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp SMEs vươn tầm phát triển.

Cuối chương trình là thông điệp của GS.TS Trương Nguyện Thành: “Mỗi ngày bạn chỉ cần sống tốt hơn ngày hôm qua một tí, làm việc tốt hơn ngày hôm qua một tí. Để rồi, sự khác biệt sẽ được tích góp dần theo năm tháng.”

Theo đó, Dự án Vietnam2030.vn sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo online thường tuần nằm trong chuỗi chương trình đồng hành cùng 500.000 doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số, kinh doanh số hiệu quả.

Quý khán thính giả có thể xem lại nội dung buổi livestream ở đây: https://www.facebook.com/watch/live/

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
BIT ACADEMY – HỌC VIỆN KINH DOANH SỐ THỰC VÀ CHIẾN 
0899 910 979
Zalo OA: zalo.me/4354897191185231594
Facebook: https://www.facebook.com/BIT.com.vn
Linked in: https://www.linkedin.com/company/bitvn
Youtube: https://youtube.com/BITcomvn

Translate »